
Nguyễn Hải Đăng
Nếu bạn có những phản hồi về những thông tin tôi chia sẻ, bạn có thể liên hệ trực tiếp qua email: haidang.hup@gmail.com
Editor of NamudInsider
Latest posts by Nguyễn Hải Đăng (see all)
- Tiến hành xét xử để làm rõ nguy cơ của thuốc Mediator tại Pháp - 27 September, 2019
- Chế độ ăn uống không lành mạnh liên quan đến 80.000 ca ung thư ở Hoa Kỳ - 15 September, 2019
- Phương pháp xét nghiệm máu hứa hẹn chẩn đoán xác định Alzheimer - 15 September, 2019
Không tuân thủ trong sử dụng thuốc kê đơn là một trong những trở ngại lớn nhất đối với hiệu quả chăm sóc sức khỏe hiện đại: ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh nhân, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, các công ty dược phẩm và hệ thống chăm sóc sức khỏe chung. Dược sĩ luôn đóng vai trò quan trọng trong cải thiện sự tuân thủ của bệnh nhân, bên cạnh đó, có các phương pháp can thiệp hiệu quả và giúp các dược sĩ tương tác với bệnh nhân một cách thích hợp hơn.
Trên thực tế, sau khi được nhận thuốc theo đơn từ các dược sĩ, chỉ có khoảng một nửa số bệnh nhân điều trị bệnh mạn tính ở các nước phát triển tuân thủ dùng thuốc. Và có rất ít bằng chứng về sự cải thiện về tỷ lệ tuân thủ trong suốt 50 năm qua. Một tổng quan Cochrane cho thấy các phương thức cải thiện sự tuân trị giúp đem lại nhiều lợi ích hơn bất kỳ phương pháp điều trị nào. Nhiều loại thuốc công nghệ cao, tiêu tốn hàng tỷ bảng Anh để nghiên cứu và phát triển, được cung cấp với sự tư vấn và hỗ trợ y tế tận tụy, nhưng nếu bệnh nhân không dùng đúng cách cũng không mang lại hiệu quả, dù cố ý hay không.
Theo thống kê của Cơ quan y tế quốc gia Anh (NHS), mỗi năm ước tính khoảng 300 triệu bảng Anh tiền thuốc bị lãng phí do không tuân thủ điều trị. Con số này chưa tính đến chi phí khám lại nhiều lần, các xét nghiệm thêm, đôi khi cả nhập viện và các chi phí y tế khác phát sinh khi bệnh nhân không tuân thủ dùng thuốc. Bên cạnh đó, khi thăm khám cho các bệnh nhân này, bác sĩ vẫn tin tưởng vào sự tuân thủ của bệnh nhân nên sẽ có xu hướng tăng liều hoặc bổ sung thuốc khi thấy điều trị không đạt được hiệu quả như mong muốn. Tom Kenny, Giám đốc điều hành công ty Spoonful of Sugar một công ty chuyên tư vấn thay đổi hành vi bệnh nhân có trụ sở tại London, Anh, được tách ra từ Đại học London, hiện đang cộng tác với rất nhiều công ty dược vì mục tiêu cải thiện tuân thủ điều trị cho biết: “Các bác sĩ vẫn “quan niệm” rằng trong điều trị thực tế, thuốc thường kém hiệu quả hơn so với các thử nghiệm lâm sàng. Vì thường trong các nghiên cứu có sự “thiên vị” về cỡ mẫu hay chọn lọc bệnh nhân. Nhưng thực tế rất nhiều trường hợp như vậy liên quan đến sự tuân thủ thuốc của bệnh nhân.” Điều này khiến chi phí thuốc tăng lên, thêm gánh nặng lên hệ thống chăm sóc sức khỏe; mà bệnh nhân cũng không nhận được đầy đủ lợi ích từ điều trị của họ, giảm chất lượng cuộc sống, trầm trọng thêm tình trạng bệnh và tăng nguy cơ tử vong.
“Quên”
Có nhiều lý do khác nhau khiến bệnh nhân không tuân thủ các loại thuốc trong điều trị nhưng theo một cuộc khảo sát được công bố năm 2015 bởi công ty tự động hóa dược phẩm Omnicell, lý do phổ biến nhất chỉ đơn giản là họ quên. Cuộc khảo sát cho thấy: hai phần ba số bệnh nhân quên uống thuốc, trong khi một phần tư số bệnh nhân không uống vì những tác dụng phụ khó chịu. Hơn 20% số bệnh nhân cho biết họ “tin” rằng sức khỏe của họ đã khá lên và không cần thiết phải dùng thuốc. “Cảm giác” không cần thiết phải dùng thuốc là một vấn đề đặc biệt đối với những bệnh nhân có một số loại bệnh mạn tính nhất định, khi mà họ có những khoảng thời gian ổn định giữa các đợt tái phát. Ví dụ, trong bệnh động kinh, các loại thuốc thường có các tác dụng phụ khá khó chịu, bệnh nhân đôi khi sẽ tự giảm liều hoặc ngừng dùng trong các giai đoạn không bị co giật.
Tiến sĩ Debi Bhattacharya, giảng viên cao cấp về thực hành dược, Đại học East Anglia, Anh, cho biết: có ba vấn đề chính về sự tuân thủ: bệnh nhân có tiếp cận với thuốc không? Họ có khả năng nhận thức và sức khỏe để dùng thuốc không? Và họ có muốn dùng thuốc không? “Tôi nghĩ rằng yếu tố thứ ba, yếu tố mà chúng ta đang nói về tác động tâm lý xã hội của thuốc và làm thế nào để có các ảnh hưởng tích cực lên nó, chính là thách thức thực sự dành cho tất cả các chuyên gia chăm sóc sức khỏe.” Cô cũng lưu ý rằng: Hai khía cạnh cũ có thể được giải quyết bởi các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, nhưng riêng yếu tố thứ 3 sẽ cần sự góp mặt của các dược sĩ trong các sáng kiến giao thuốc tận nhà, giảm độ phức tạp của phác đồ và cung cấp các giải pháp hỗ trợ tuân thủ.
Tuy nhiên, vấn đề “động lực dùng thuốc” của bệnh nhân là rất phức tạp. TS. Debi Bhattacharya cho biết bệnh nhân có thể hợp tác khi thảo luận về các rào cản trong dùng thuốc và các yếu tố chủ quan/khách quan, nhưng ít khi cởi mở trao đổi về việc không tuân thủ cố ý. Một trong những thách thức đối dược sĩ là khai thác thông tin về mức độ tuân thủ trong dùng thuốc khi trao đổi với bệnh nhân. Tốt nghiệp năm 1999 và với nhiều kinh nghiệm trong dược phẩm, TS. Debi Bhattacharya nhận xét rằng phần lớn dược sĩ thực hành lâm sàng hiện tại không được đào tạo về loại hình tư vấn này: “Chúng tôi không được đào tạo để tư vấn bằng cách cố gắng gợi ý các thông tin về các rào cản đối với việc dùng thuốc, hay dựa trên cảm xúc và suy nghĩ của bệnh nhân để đưa ra các can thiệp thay đổi hành vi thích hợp.” Do vậy, việc cải thiện hệ thống đào tạo dược sĩ cho phù hợp với yêu cầu này là cần thiết: “Mọi người đều nhận ra rằng trong tương lai, các dược sĩ đóng vai trò quan trọng khi đối mặt với bệnh nhân, do đó việc đào tạo kỹ năng tư vấn là rất có ý nghĩa.” Hiện nay, cơ hội cho sinh viên Dược phát triển đầy đủ các kỹ năng bị giới hạn bởi thiếu thời gian tiếp xúc với bệnh nhân, hệ thống giáo trình đại học và các vấn đề về chi phí. Bởi vậy, gần đây một số tổ chức (Quỹ Tích hợp Dược phẩm- Pharmacy Integration Fund), trung tâm (Trung tâm đào tạo dược sĩ sau đại học- The Centre for Pharmacy Postgraduate Education) tại Anh đã cố gắng thu hẹp khoảng cách này bằng các khóa kỹ năng tư vấn nâng cao cho dược sĩ.
Các biện pháp can thiệp
Một tổng quan Cochrane được công bố trong năm 2014 đề cập đến các biện pháp can thiệp giúp cải thiện sự tuân thủ một cách không mấy sáng sủa. Tổng quan viết: “Phương pháp cải thiện sự tuân thủ thuốc cho các vấn đề sức khỏe mạn tính được thống kê cho đến nay hầu hết là phức tạp và không hiệu quả, do đó không thể mang lại đầy đủ các lợi ích điều trị” và nhiệm vụ can thiệp một cách thiết thực và hiệu quả giúp cải thiện kết cục lâm sàng cần phải được tiếp tục. Về vấn đề này “chúng tôi chưa có một tiêu chuẩn vàng,” TS. Debi Bhattacharya nói. TS. Debi Bhattacharya và các cộng sự đã phát triển “Bảng câu hỏi xác định tuân thủ thuốc (IMAB-Q)”, nhằm hỗ trợ các dược sĩ và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe xác định lý do không tuân thủ của bệnh nhân và từ đó đưa ra các can thiệp phù hợp. Bảng câu hỏi này được xây dựng từ một mẫu 600 bệnh nhân trong 9 nhà thuốc cộng đồng ở Suffolk và Norfolk, Anh.
Tuy nhiên, các y tá và dược sĩ cũng gặp khó khăn trong việc chuyển đổi các thông tin thu thập được thành các lựa chọn can thiệp thích hợp nhất. Nhóm nghiên cứu hiện đang cải thiện bảng câu hỏi IMAB-Q thân thiện hơn với người dùng. TS. Debi Bhattacharya cho biết: “Các dược sĩ sẽ được hướng dẫn đầy đủ những gì cần làm để cải thiện vấn đề tuân thủ cho bệnh nhân. Nhưng vẫn cần rất nhiều sự linh hoạt trên nguyên tắc lấy bệnh nhân làm trung tâm – nhiều trường hợp sẽ có hơn 1 câu trả lời đúng và tùy thuộc vào sự quyết định thống nhất giữa dược sĩ và bệnh nhân sau khi trao đổi cùng nhau và tìm ra giải pháp phù hợp nhất.”
Cho đến nay, đã có nhiều nghiên cứu nhằm cải thiện sự tuân thủ của bệnh nhân, nhưng phần lớn các nghiên cứu này không dựa trên nguyên tắc thay đổi tâm lý và hành vi. TS. Debi Bhattacharya cho rằng, cần một biện pháp can thiệp toàn diện để giải quyết đầy đủ các khía cạnh khác nhau của sự không tuân thủ: “Đánh giá sử dụng thuốc, là một cách; nhắn tin nhắc uống thuốc, là một cách; cung cấp một sự trợ giúp tuân thủ, vẫn chỉ dừng lại ở một sự lựa chọn. Chưa có biện pháp can thiệp toàn diện. Một can thiệp toàn diện là một tùy chọn tất cả các cách trên tùy thuộc vào nhu cầu của bệnh nhân.” Theo cô, vấn đề trọng tâm hiện nay không phải là phát triển thêm các can thiệp mới mà là tối ưu hóa các can thiệp đã có để phù hợp hơn với nhu cầu của từng nhóm bệnh nhân.
Tom Kenny, Giám đốc điều hành công ty Spoonful of Sugar cũng đồng ý với nguyên tắc thay đổi tâm lý và hành vi. Ông cho rằng: “Nếu bạn xây dựng một chương trình dựa trên nguyên tắc số 1 này, bạn sẽ thành công và thành công hơn rất nhiều các chương trình hiện đang tồn tại”, “Bạn có thể làm tốt hơn tưởng tượng, bằng cách tinh chỉnh các lựa chọn cho các chuyên gia chăm sóc sức khỏe dựa trên các ngữ cảnh cụ thể.”
“Những người bạn tự động”
Gần đây, việc sử dụng các ứng dụng và công nghệ kỹ thuật số cho chăm sóc sức khỏe, và đặc biệt cho sự tuân thủ đang được phát triển, một trong số đó dự kiến sẽ được đầu tư mạnh hơn trong những năm tới. Cơ quan y tế quốc gia Anh – NHS đang thử nghiệm một thư viện ứng dụng kỹ thuật số để giúp các bệnh nhân chọn được những “người bạn tự động” an toàn và giúp ích cho việc tuân thủ thuốc của họ. Ví dụ về một trong các ứng dụng sẵn có trong thư viện là myCOPD. Ứng dụng này cho phép những bệnh nhân có bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) theo dõi các triệu chứng của họ, theo dõi việc sử dụng thuốc và hướng dẫn đúng kỹ thuật hít. Bên cạnh đó còn có ứng dụng CF Squeezy nhắc nhở bệnh nhân có bệnh xơ nang thực hiện các bài tập sàn chậu. Người dùng CF Squeezy cũng có thể lưu lại dữ liệu sau khi hoàn thành các bài tập và các bác sĩ vật lý trị liệu của bệnh nhân có thể điều chỉnh chương trình tập thông qua ứng dụng này.
Mona Johnson, phụ trách lâm sàng cấp cao của chương trình kỹ thuật số của Cơ quan y tế quốc gia Anh cho các ứng dụng và thiết bị phụ trợ giải thích: Cơ quan y tế quốc gia quyết định các ứng dụng nào cần được ưu tiên và các ứng dụng nào cần được cải thiện. Quá trình đánh giá tập trung vào các yếu tố: đảm bảo an toàn và kỹ thuật, cân nhắc mức độ dễ bị tổn thương của dữ liệu bệnh nhân và cách nhà phát triển sẽ sử dụng dữ liệu thu thập được bằng các ứng dụng trong tương lai. Bất kỳ ứng dụng nào muốn công nhận hiệu quả lâm sàng cũng phải trải qua quá trình đảm bảo lâm sàng chặt chẽ. “Có hàng trăm ngàn ứng dụng trực tuyến mỗi ngày, thật khó cho các bác sĩ lâm sàng và bệnh nhân nhận biết được đâu là ứng dụng hữu ích cho họ”, Mona Johnson chia sẻ, “Công việc mà chúng tôi đang làm là giúp mọi người tìm được ứng dụng phù hợp và trở thành người tiêu dùng thông minh.”
“Đối tác kỹ thuật số”
Mona Johnson tin rằng chúng ta có thể sử dụng công nghệ để giúp bệnh nhân chủ động chăm sóc sức khỏe của họ và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cũng có thể khai thác công nghệ để cải thiện tuân thủ trong điều trị. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể sử dụng dữ liệu bệnh nhân “làm bàn đạp để có những cuộc tư vấn hiệu quả hơn với bệnh nhân về chăm sóc sức khỏe”. “Có nghĩa là một vai trò hoàn toàn mới có thể được tạo ra cho chuyên gia y tế hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe thiên về hướng dẫn và tạo điều kiện, chứ không phải mối quan hệ đối tác truyền thống giữa họ và bệnh nhân”.
Tom Kenny đồng ý rằng kể từ khi có các can thiệp kỹ thuật số đến nay, những chương trình thành công nhất được thiết kế đều cần sự kết hợp giữa công nghệ kỹ thuật số và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Ông chia sẻ: “Sự kết hợp này đem lại sức mạnh to lớn bởi có sự liên kết giữa thông tin từ bên trong ứng dụng và từ các chuyên gia chăm sóc sức khỏe.”
Heidi Wright, phụ trách lâm sàng và chính sách, hiệp hội dược học hoàng gia Anh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong sự tham gia của yếu tố con người với kỹ thuật số trong việc cải thiện sự tuân thủ. Cô phát biểu: “Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cần dành thời gian cho bệnh nhân để giúp họ hiểu lý do dùng thuốc của mình. Bác sĩ có thể tư vấn cho bệnh nhân nhiều điều khi họ nằm viện hoặc khi xuất viện, nhưng có rất nhiều điều xảy ra sau thời điểm đó mà họ không nhớ.” “Ai cũng muốn được chăm sóc, và muốn có sự tương tác của con người.” “Có bằng chứng rõ ràng rằng nếu dược sĩ được đào tạo một số kỹ năng đơn giản, sẽ đóng góp thực sự hiệu quả trong việc cải thiện sự tuân thủ thuốc của bệnh nhân.”
Nguồn: Pharmaceutical Journal