
Latest posts by Hồ Đức Cường (see all)
- Nhận định về nghiên cứu paracetamol và rối loạn hành vi - 31 August, 2016
- Tiêu chuẩn vàng trong nghiên cứu lâm sàng - 29 August, 2016
- Tương lai của y học- Sử dụng thiết bị đeo tay ? - 19 August, 2016
Olympic Rio 2016 đã gần cận kề, công tác kiểm tra doping đang được thực hiện gấp rút để kịp hoàn thành trước khi khai mạc, nhất là phải kiểm tra số lượng lớn các vận động viên người Nga vào giờ chót khi lệnh cấm của IOC (Ủy ban Olympic Quốc tế) không được ban hành. Danh sách các thuốc bị xem là doping rất nhiều, khó lòng mà nhớ hết được nhưng bản thân là dược sĩ các bạn nên nắm được nhóm thuốc nào được liệt vào danh sách cấm nhé. Hôm nay, Namud sẽ cùng các dược sĩ điểm lại những nhóm thuốc cơ bản bị cấm sử dụng trong thi đấu thể thao.
Mỗi năm cơ quan phòng chống doping thế giới (World Anti-Doping Agency – WADA) sẽ ban hành một bản danh sách cập nhật các chất cấm sử dụng trong thi đấu thể thao. Danh sách này sẽ gồm các thuốc và các phương pháp được xem là doping, dưới đây là các nhóm thuốc doping, các dược sĩ hãy cùng nghiên cứu và ghi nhớ các nhóm thuốc.
1-Các steroid đồng hóa (Anabolic steroid)
Steroid đồng hóa bao gồm nandrolone, oxandrolone, stanozolol, testosterone, metenolone, dehydroepiandrosterone (DHEA), và những chất liên quan. Có hơn 100 chất chuyển hóa steroid đã bị liệt vào danh sách cấm. Testosterone chịu trách nhiệm cho kích hoạt phát triển các đặc điểm giới tính nam giới (tác dụng androgen) và tăng khối lượng cơ (tác dụng đồng hóa). Các công ty sản xuất steroid đồng hóa với mục đích giảm hoạt tính androgen và tăng tối đa tác dụng đồng hóa. Từ đó làm tăng thành tích bằng cách tăng kích thước và khối lượng cơ, cho phép các vận động viên luyện tập nặng hơn và lâu hơn, tăng khả năng hồi phục sau các bài tập và tăng khả năng cạnh tranh trong các cuộc thi.
Các thuốc steroid được biết đến như là “thuốc luyện tập” vì chúng thường được sử dụng trong thời gian luyện tập và ngừng 1 vài tuần trước khi cuộc thi diễn ra để tránh dương tính trong kỳ kiểm tra doping. Tác dụng phụ của nhóm này bao gồm: thiểu năng sinh dục, nữ hóa tuyến vú, nổi mụn, rụng tóc, vô sinh, bệnh tim mạch và tử vong.
2-Hormone Peptip
Hormone peptip được gọi là thuốc dành cho thể thao và đang ngày càng bị lạm dụng bởi các vận động viên. Mặc dù chúng là sản phẩm tổng hợp, nhưng không thể phân biệt với các hormone tự nhiên của cơ thể và không thể bị phát hiện bởi những phương pháp xét nghiệm hiện tại của IOC (International Olympic Committee). hCG (hormone tiết ra từ nhau thai) được sử dụng để kích thích tiết testosterone nội sinh.
GH (hormone tăng trưởng), một loại thuốc rất đắt, được cho là có tác động tăng đồng hóa. Dữ liệu từ các nghiên cứu gần đây, đã chỉ ra rằng mặc dù nó tăng khối lượng cơ nhưng không tăng sức mạnh của cơ. Tác dụng phụ do lạm dụng bao gồm bệnh to đầu chi, bệnh khổng lồ, rối loạn chuyển hóa.

Lance Armstrong đã sử dụng Erythropoietin và một số chất doping khác trong nhiều năm trước khi bị phanh phui
Một số vận động viên đặt cược mạng sống của họ bằng cách sử dụng Erythropoietin (EPO). EPO kích thích sản xuất tế bào hồng cầu từ tủy xương. EPO thường được sử dụng trong y khoa để tăng haematocrit của bệnh nhân thiếu máu nặng tương quan với suy thận mạn tính. Nó làm tăng nồng độ haemoglobin bằng cách tăng thể tích tế bào máu và tăng oxy máu. EPO được sử dụng trong thể thao nhằm tăng cường vận chuyển oxy cho các cơ hoạt động và tăng sự dẻo dai cho vận động viên. Về lâu dài, lạm dụng EPO có thể làm haematocrit của vận động viên lên mức rất cao.
Độ nhớt của máu tăng lên quá nhiều có thể dẫn đến tuần hoàn kém, huyết khối và nhồi máu cơ tim. Người ta cho rằng nhiều biến cố tử vong đột ngột trong lúc thi đấu do lạm dụng EPO, và có thể đây là một thuốc giúp tăng hiệu suất thi đấu nguy hiểm nhất hiện tại.
3-Đồng vận beta 2
Các thuốc đồng vận beta 2 không phải là thuốc chuyển hóa, tuy nhiên nó có khả năng tác động lên chuyển hóa. Những thuốc như là salbutamol và clenbuterol khi sử dụng đường uống làm tăng khối lượng cơ và sức mạnh của cơ bắp. Salbutamol, salmeterol, và terbutaline thì được phép sử dụng bằng đường hít, nhưng phải thông báo cho ban tổ chức trước khi cuộc thi diễn ra.
[perfectpullquote align=”full” cite=”” link=”” color=”” class=”” size=””]Các thuốc đồng vận beta 2 chẳng những bị lạm dụng trong thi đấu thể thao mà còn được ngành chăn nuôi lạm dụng. Tại Việt Nam, giai đoạn 2015 – 2016 báo chí phanh phui việc một số trang trại chăn nuôi heo sử dụng chất cấm để tạo nạc cho heo làm người nuôi heo điêu đứng. Những con heo được cho ăn thức ăn trộn salbutamol hoặc clenbuterol vào thời điểm 1 tuần trước khi xuất chuồng để tăng tỷ lệ thịt nạc, giảm tỷ lệ mỡ. Heo sau khi ăn chất cấm thì mông vai căng tròn, nhưng chân yếu và rất dễ tử vong nếu không kịp xuất chuồng.[/perfectpullquote]4-Hormone và chất điều chuyển hóa (metabolic modulators)
Ghi chú: sau khi tham khảo một vài tài liệu, chúng tôi thống nhất sử dụng thuật ngữ “điều chuyển hóa” cho từ “metabolic modulators” với ý nghĩa điều hòa + chuyển hóa.
Kể từ năm 2014, trimetazidine cũng được liệt vào danh sách doping. Ban đầu nó được WADA liệt vào nhóm các chất kích thích, nhưng hiện nay trimetazidine được xếp vào nhóm hormone và các chất điều chuyển hóa. Trimetazidine được sử dụng rất phổ biến trong chuyên khoa tim mạch, nó có khả năng duy trì chuyển hóa năng lượng của tế bào thiếu oxy nên được sử dụng cho các bệnh nhân đau thắt ngực chống thiếu máu cục bộ. Các vận động viên có thể sử dụng thuốc này để tăng cường hoạt động thể chất, đặc biệt các môn đòi hỏi sự dẻo dai.

Sharapova bị cấm thi đấu 2 năm vì “quên” cập nhật danh sách cấm
Meldonium, búp bê người Nga – Sharapova – đã dính án phạt cấm thi đấu 2 năm từ năm 2016 cũng bởi thuốc ngày. Được biết meldonium được sử dụng rộng rãi ở Nga và Đông Âu trong các bệnh tim mạch như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim và suy tim. Meldonium là thuốc điều trị các bệnh tim và hỗ trợ lưu thông máu, nó làm gia tăng sức chịu đựng của vận động viên, hồi phục nhanh sau tập luyện, chống lại stress, kích thích và nâng cao chức năng của hệ thống thần kinh trung ương. Do những đặc tính trên mà meldonium được WADA xếp vào nhóm thuốc “điều chuyển hóa” của danh sách chất cấm kể từ năm 2016.
Các chất điều hòa thụ thể estrogen chọn lọc (Selective estrogen receptor modulators – SERMs) bao gồm Raloxifen, Tamoxifen, Toremifene cũng được liệt kê vào danh sách cấm trong thể thao. Các thuốc SERMs là những chất có cấu trúc khác nhau nhưng đều có khả năng gắn kết với thụ thể estrogen tại cơ quan đích để thể hiện tác dụng đồng vận hoặc đối kháng estrogen. Các thuốc này được chỉ định cho một vài loại ung thư và bệnh nhân loãng xương. Khi các thuốc SERMs gắn vào receptor sẽ làm ức chế chuyển hóa testosterone thành estrogen, một số giả thuyết cho rằng các thuốc này còn tăng sản xuất testosterone nội sinh. Từ đó giúp tăng nồng độ testosterone trong máu và tác động đến khối lượng cơ của cơ thể.
Ngoài ra, trong nhóm điều chuyển hóa này WADA còn liệt kê những nhóm thuốc khác như: các thuốc ức chế aromatase (trị ung thư vú), các thuốc kháng estrogen, các chất điều hòa chức năng myostatin, AMPK, PPARδ, insulin.
5-Thuốc lợi tiểu
Thuốc lợi tiểu làm tăng thể tích nước tiểu và tăng đào thải của một số chất doping khác nên sẽ không bị phát hiện khi kiểm tra, đây là nguyên nhân chính khiến cho các thuốc lợi tiểu bị liệt vào danh sách cấm. Tuy nhiên, ở những môn thi đấu đòi hỏi hình thể và cân nặng thì các vận động viên có thể sử dụng thuốc lợi tiểu để “ép cân” nên nhóm thuốc này cũng bị cấm. Trong môn các môn như thể dục dụng cụ, thể hình, cử tạ, judo… các vận động viên đã gian lận bằng cách dùng thuốc lợi tiểu để cơ thể mất nước hòng đạt chỉ số cân nặng cần thiết của cuộc thi và bù nước sau đó.
Một vài thuốc lợi tiểu bị cấm gồm desmopressin, probenecid, amiloride, furosemide, indapamide, spironolactone, các thiazide, và các thuốc lợi tiểu khác.
[perfectpullquote align=”full” cite=”” link=”” color=”” class=”” size=””]Một vận động viên nổi tiếng được mệnh danh là búp bê vàng của Việt Nam, Đỗ Thị Ngân Thương, cô đã đạt 5 huy chương vàng trong 3 lần tham dự Seagame liên tiếp nên được đặc cách đại diện cho khu vực Đông Nam Á thi đấu môn thể dục dụng cụ tại Olympic Bắc Kinh 2008. Tuy nhiên, vì thiếu kiến thức nên cô đã sử dụng furosemide để giảm cân và dương tính với kết quả kiểm tra doping tại Bắc Kinh. Tưởng chừng như sự nghiệp của cô đã kết thúc, nhưng sau khi thực hiện án phạt cấm thi đấu 1 năm. Cô đã trở lại và tiếp tục gặt hái được 2 huy chương vàng 2 huy chương bạc tại SEA Game 26.[/perfectpullquote]6-Chất kích thích
Tăng khả năng tập trung và giảm mệt mỏi cho vận động viên nhưng những chất này có thể gây hại cho tim. Đây là nhóm thuốc bị lạm dụng nhiều nhất trong thể thao. Những thuốc này sẽ kích thích hệ thần kinh trung ương và tăng cường hoạt động của tim mạch, giảm mệt mỏi và mỏi cơ, và tăng cường khả năng chiến đấu, sự dẻo dai cũng như tăng khả năng cạnh tranh. Amphetamine là một trong những chất có hoạt tính mạnh. Nó có khả năng gây nghiện cao các tác dụng phụ bao gồm lo âu, loạn nhịp tim, tăng huyết áp, đột quỵ và tử vong. Thật vậy amphetamine đã đóng góp vào một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu trong thể thao.
Những chất khác có hoạt tính yếu hơn amphetamine, nhưng tác dụng tương tự thì vẫn bị cấm. Mặc dù có một số chất có mặt trong các thuốc OTC để trị bệnh cảm lạnh và nghẹt mũi thông thường thì vẫn được sử dụng nhưng bị giới hạn nồng độ: ephedrine, pseudoephedrine, phenylpropanolamine. Tương tự, caffeine cũng được sử dụng rộng rãi và có chỉ số giới hạn trong máu. Khi sử dụng những thuốc có chứa những hoạt chất này các vận động viên phải hết sức cẩn trọng bởi nếu nồng độ trong máu vượt qua mức cho phép thì có thể sẽ hủy hoại sự nghiệp của nó.
Giống như caffeine, nicotine cũng là một chất thuộc diện phải giám sát nồng độ. Do nicotine là một chất kích thích nên nó sẽ có tác dụng tăng nhịp tim, và người ta đã chứng minh nó sẽ làm tăng phản ứng, tăng nhận thức, giảm căng thẳng và trọng lượng cơ thể trong một khoảng thời gian nhất định. Từ các tác dụng đó, các nhà khoa học kết luận nicotine có khả năng tăng cường hiệu suất thi đấu cho vận động viên. Hồi giữa tháng sáu, khi báo chí phát hiện tiền đạo đội tuyển Anh, Jamie Vardy, sử dụng một loại thuốc chứa caffeine và nicotine đã tạo nên làn sóng dư luận yêu cầu WADA bổ sung nicotine và danh sách chất cấm. Có lẽ yêu cầu này rất khó trở thành hiện thực bởi nicotine đã nằm trong danh sách giám sát nồng độ từ năm 2012.
7-Ma túy
Ma túy không có khả năng tăng cường thành tích của vận động viên, ngược lại nó có thể làm họ yếu đi. Tuy nhiên, nó đã từng được sử dụng để giảm đau tạo cơ hội để vận động viên tiếp tục thi đấu mặc dù đang bị chấn thương. Và những chất này lại có khả năng gây nghiện cao. Hành động cấm sử dụng ma túy trong thể thao có lẽ chỉ đơn giản vì đây là những chất cấm trong xã hội mà thôi. Một vài chất cấm bao gồm morphine, methadone, pethidine. Codeine và dihydrocodeine đã được loại ra khỏi danh sách chất cấm vào năm 1992, và gần đây sử dụng dextropropoxyphene trong thể thao cũng là hợp lệ.
8-Glucocorticoid
Glucocorticoid là những thuốc thường được sử dụng để ức chế phản ứng viêm. Sự lạm dụng này bắt nguồn từ tác dụng giãn đường hô hấp, và tác dụng giảm đau (khi sử dụng liều lớn) của các glucocorticoid. Đường thở mở rộng và giảm ngưỡng đau giúp vận động viên tập luyện tốt hơn và đạt hiệu quả cao hơn trong thi đấu.
Tất cả các glucocorticoid đều bị cấm sử dụng đường uống, tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp hoặc nhét hậu môn.
Có ý kiến từ Liên đoàn Thể thao Quốc tế cho rằng nên loại các glucocorticoid ra khỏi danh sách doping vì glucocorticoid rất phổ biến trong các thuốc dùng trong thể thao và nó không giúp vận động viên tăng cường thành tích. Tuy nhiên, ý kiến này không được xem xét và hiện tại các glucocorticoid vẫn được liệt vào danh sách cấm.
9-Chẹn beta
Chẹn beta là nhóm thuốc có tác dụng ức chế tác dụng của adrenaline. Giúp cho tim hoạt động hiệu quả hơn, do đó, giảm áp suất máu, nhịp tim, run cơ.
Các thuốc này tác động lên hệ thần kinh trung ương giúp giảm lo âu, căng thẳng và ổn định khả năng vận động. Cải thiện khả năng của hệ thần kinh vận động có thể mang lại lợi ích cho vận động viên nên nhóm này chỉ bị cấm trong một số môn đòi hỏi sự chính xác như bắn súng, bắn cung, phóng phi tiêu, golf và một số môn thể thao khác. Danh sách cấm bao gồm nhưng không giới hạn các thuốc sau: atenolol, bisoprolol, carteolol, esmolol, metoprolol, propranolol, timolol.
Ngoài phương pháp dùng thuốc để gian lận trong thể thao, còn có những phương pháp doping bị cấm nhưng bài viết này không đi sâu vào chi tiết như: doping máu – truyền máu hoặc các chế phẩm tương tự làm tăng thể tích hồng cầu; các phương pháp lý hóa làm sai lệch kết quả xét nghiệm; doping gene. Để xem danh sách chất cấm trong thể thao cập nhật năm 2016, các bạn có thể vào trang web của WADA tại đây. Hy vọng qua bài viết này các dược sĩ đã nắm và ghi nhớ được nhóm nào các vận động viên thể thao không được sử dụng để tư vấn sử dụng thuốc khi cần.
Dược sĩ Hồ Đức Cường tổng hợp từ nhiều nguồn.