
- Bí quyết thành công cắt giảm sử dụng kháng sinh ở bệnh viện - 30 January, 2020
- Tuổi thọ của Hoa Kỳ giảm và xu hướng xấu của giới trẻ hiện đại - 30 January, 2020
- Hoa Kỳ: 2 trong 5 người tự chẩn đoán sai các bệnh nguy hiểm khi tự tra cứu “bác sĩ Google” - 30 January, 2020
Theo xu hướng hiện tại, các nhà nghiên cứu ước tính rằng năm 2030 gần một nửa người dân trưởng thành ở Hoa Kỳ sẽ mắc căn bệnh béo phì.
Theo nghiên cứu có tên “Projected U.S. State-Level Prevalence of Adult Obesity and Severe Obesity”, được công bố ngày 19/12/2019 trên Tạp chí Y học New England (New England Journal of Medicine – NEJM), nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Zachary J. Ward cùng cộng sự đến từ Trường Y tế Công cộng Harvard T. H. Chan, Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ, đã dự đoán rằng tỷ lệ béo phì của người trưởng thành ở 29 tiểu bang tại Hoa Kỳ sẽ tăng vọt lên đến trên 50%.
Tiến sĩ kiêm phân tích gia Zachary J. Ward, hiện cũng đang công tác tại trung tâm Health Decision Science của đại học Harvard, cũng nói rằng sẽ không có tiểu bang nào ở Hoa Kỳ có tỷ lệ người béo phì dưới 35% vào năm 2030, đây là một con số đáng báo động với tình hình thực tế của bệnh béo phì hiện nay.

“Béo phì trầm trọng” – vấn đề đáng lo ngại
Nhóm nghiên cứu của TS. Zachary J. Ward đã ước tính vào năm 2030, trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ, cứ bốn người trưởng thành sẽ có một người mắc béo phì ở mức độ “trầm trọng” (người có cân nặng lớn hơn khoảng 45,4 kg so với trọng lượng cơ thể lý tưởng của họ, hoặc có chỉ số khối cơ thể BMI từ 40 trở lên), điều này thật đáng báo động bởi vì béo phì trầm trọng là một tình trạng hiếm gặp hiện nay, tuy nhiên nó đang phát triển khá nhanh tại nhiều tiểu bang ở Hoa Kỳ.
Thêm vào đó, mô hình nghiên cứu của TS. Zachary J. Ward cũng dự đoán được rằng tỷ lệ mắc béo phì trầm trọng sẽ phổ biến ở đối tượng phụ nữ, người da đen (trừ những người da đen gốc Tây Ban Nha) và người trưởng thành có thu nhập thấp (những người có thu nhập hộ gia đình dưới 50.000 USD / năm).
Kết quả của nghiên cứu dựa trên dữ liệu khảo sát qua điện thoại của hơn 6 triệu người Mỹ và đã được điều chỉnh phù hợp để loại trừ các trường hợp báo cáo cân nặng thấp hơn thực tế. Nghiên cứu cũng cho thấy tình trạng béo phì đang gia tăng ở mọi tiểu bang và nó sẽ tăng rất cao ở một số tiểu bang.
Trong nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Steven L. Gortmaker của Trường Y tế công cộng Harvard TH Chan, nói rằng “ béo phì, đặc biệt là béo phì ở mức độ trầm trọng có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh mạn tính và gây ra những hậu quả xấu, ảnh hưởng đến tuổi thọ của chúng ta”.
TS. Zachary J. Ward cho biết, một trong những động lực chính của nghiên cứu là để cung cấp thêm thông tin cho các nhà hoạch định chính sách của các tiểu bang.
Ví dụ, nghiên cứu trước đây của nhóm cho thấy rằng việc tăng thuế đối với đồ uống có đường có thể làm giảm mức tiêu thụ các loại đồ uống này, từ đó giúp kiềm chế sự gia tăng béo phì.
TS. Zachary J. Ward nói “Phòng ngừa chính là chìa khóa để giúp chúng ta kiểm soát tốt hơn bệnh béo phì”
Ước tính tình trạng béo phì ở cấp tiểu bang
Các nhà nghiên cứu cho biết, mặc dù dữ liệu về bệnh béo phì trên toàn quốc gia Hoa Kỳ đã được ghi nhận lại một cách rõ ràng, tuy nhiên dữ liệu của riêng từng tiểu bang còn chưa đầy đủ.
Để thu thập thông tin, các điều tra viên triển khai một hệ thống “giám sát các yếu tố rủi ro liên quan đến hành vi” (BRFSS), các điều tra viên đã gọi điện đến hơn 400.000 người trưởng thành trên toàn quốc gia Hoa Kỳ mỗi năm để thu thập thông tin theo một mẫu có sẵn, từ đó hình thành dữ liệu cấp tiểu bang.
Tuy nhiên nhóm nghiên cứu của Zachary J. Ward cũng lưu ý rằng “Số liệu có thể sai lệch do quá trình tự báo cáo của những người tham gia nghiên cứu dẫn đến kết quả cho ra tỉ lệ mắc bệnh béo phì thấp hơn thực tế”.
Để ước tính tốt hơn tình trạng béo phì ở mỗi tiểu bang vào năm 2030, các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu tự báo cáo về cân nặng và chiều cao từ hơn 6,2 triệu người (6.264.226 người) trưởng thành ở Hoa Kỳ qua khảo sát BRFSS trong hai giai đoạn 1993-1994 và 1999-2016. Sau đó, họ chia những người này vào bốn nhóm BMI:
- nhóm thiếu cân hoặc cân nặng bình thường (BMI < 25 kg/m2)
- nhóm thừa cân (25 đến < 30 kg/m2)
- nhóm béo phì vừa phải (30 đến < 35 kg/m2)
- nhóm béo phì nghiêm trọng (≥ 35 kg/m2).
Tiếp theo nhóm nghiên cứu đã điều chỉnh chỉ số BMI để chúng được phân bố đều với 57,131 người trưởng thành đã được đo chiều cao và cân nặng thực tế trong chương trình “Khảo sát kiểm tra Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia” (NHANES) trong những năm gần đây.
Kết quả cho thấy rằng, trung bình chỉ số BMI từ khảo sát qua điện thoại đã tăng 0,71 đơn vị ở nam giới và 1,76 đơn vị ở nữ giới và những chỉ số BMI được điều chỉnh từ năm 1999 đến năm 2010 đã dự đoán chính xác tỷ lệ béo phì thực tế trong năm 2016.
Phòng ngừa bệnh béo phì phải được đặt lên hàng đầu
Nhóm nghiên cứu của TS. Zachary J. Ward tiếp theo đó đã sử dụng phương pháp trên để ước tính tỉ lệ béo phì vào năm 2030. Từ đó họ đưa ra một dự đoán mang tính chính xác cao rằng vào năm 2030, cứ khoảng hai người trưởng thành sẽ có một người bị mắc bệnh béo phì (Tỉ lệ béo phì: 48,9%).
Kết quả này phù hợp với nghiên cứu trước đây của họ được công bố trên Medscape Medical News năm 2017: “57% trẻ em từ 2 đến 19 tuổi vào năm 2016 được dự đoán là sẽ mắc bệnh béo phì ở tuổi 35”
Nhà nghiên cứu Zachary J. Ward cũng kết luận thêm “Thật khó để giảm cân” và “Thật khó để điều trị béo phì”. Vì vậy, “Phòng ngừa nó thực sự rất quan trọng và đây chính là chìa khóa để đẩy lùi bệnh béo phì đang tiến triển khủng khiếp như hiện nay.”
Nguồn: medscape.com