
- Bí quyết thành công cắt giảm sử dụng kháng sinh ở bệnh viện - 30 January, 2020
- Tuổi thọ của Hoa Kỳ giảm và xu hướng xấu của giới trẻ hiện đại - 30 January, 2020
- Hoa Kỳ: 2 trong 5 người tự chẩn đoán sai các bệnh nguy hiểm khi tự tra cứu “bác sĩ Google” - 30 January, 2020
Một nghiên cứu được công bố trực tuyến trên tạp chí Y khoa Anh quốc (BMJ/Gut) cho thấy: Ăn hai hoặc nhiều hơn hai khẩu phần sữa chua hàng tuần có thể giúp giảm nguy cơ phát triển sự tăng trưởng bất thường u tuyến (adenomas – một dạng polyp) là nguy cơ cao/tiền ung thư ruột – ít nhất là ở nam giới.
Nghiên cứu mới
Các phát hiện chỉ ra mối tương quan quan sát được là mạnh nhất ở các u tuyến có khả năng cao trở thành ung thư và ở đại tràng chứ không phải trong trực tràng.
Các nghiên cứu được công bố trước đây cho rằng ăn nhiều sữa chua có thể làm giảm nguy cơ ung thư ruột bằng cách thay đổi chủng loại và số lượng vi khuẩn có lợi trong ruột (microbiome). Nhưng các nghiên cứu này chưa chỉ ra rằng: sữa chua cũng có thể liên quan đến giảm nguy cơ tăng trưởng tiền ung thư bởi các u tuyến hay còn gọi là adenomas.
Do đó, các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu chế độ ăn kiêng và sự phát triển tiếp theo của các loại u tuyến khác nhau trong số 32.606 nam nhân viên y tế tham gia nghiên cứu theo dõi sức khỏe (nghiên cứu Health Professionals Follow Up Study được thực hiện bởi Tiến sĩ, chuyên gia dinh dưỡng Walter Willett, trường Y tế Công cộng Harvard và cộng sự, nhằm đánh giá một loạt các giả thuyết về sức khỏe của nam giới liên quan đến các yếu tố dinh dưỡng đến tỷ lệ mắc các bệnh nghiêm trọng, như ung thư, bệnh tim và các bệnh mạch máu khác) và 55.743 nữ y tá tham gia nghiên cứu sức khỏe (Nurses Health Study là một trong những nghiên cứu triển vọng lớn nhất về các yếu tố nguy cơ đối với các bệnh mãn tính lớn ở phụ nữ được thực hiện bởi trường y khoa Harvard, trường Y tế Công cộng Harvard, bệnh viện Brigham and Woman).
Tất cả những người tham gia nghiên cứu đã được nội soi ruột – một quy trình cho phép bác sĩ lâm sàng kiểm tra bên trong đường tiêu hóa – từ năm 1986 đến 2012. Cứ mỗi 4 năm, những người tham gia nghiên cứu cung cấp thông tin chi tiết về lối sống và chế độ ăn uống, bao gồm cả khẩu phần sữa chua.
Trong suốt thời gian nghiên cứu, dữ liệu ghi nhận 5811 trường hợp u tuyến phát triển ở nam và 8116 trường hợp u tuyến phát triển ở nữ.
So với những người đàn ông không ăn sữa chua, những người ăn hai hoặc nhiều hơn hai khẩu phần sữa chua mỗi tuần ít có khả năng phát triển khối u tuyến thông thường hơn, sự khác biệt lên tới 19%.
Nguy cơ thấp hơn này thậm chí còn lớn hơn (26%) đối với các u tuyến có khả năng cao trở thành ung thư. Và tỷ lệ u tuyến xuất hiện ở đại tràng nhiều hơn là ở trực tràng. Xu hướng giảm nguy cơ này được ghi nhận đối với những u tuyến có kích thước 1 cm trở lên (được xem là lớn).
Các số liệu trong nghiên cứu không chỉ ra mối liên quan tương tự giữa sữa chua và sự phát triển u tuyến là rõ ràng ở phụ nữ.

Giải thích mối tương quan
Đây là một nghiên cứu quan sát, do đó, không có cơ sở để phân tích sâu về nguyên nhân của mối tương quan. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh sẽ cần nhiều nghiên cứu sâu hơn để xác nhận những phát hiện này và khám phá các tương quan sinh học liên quan còn tiềm ẩn. Nhưng số lượng lớn người tham gia nghiên cứu này và việc cập nhật thường xuyên về các yếu tố về chế độ ăn uống và lối sống củng cố sức mạnh cho những phát hiện này.
Để giải thích cho những phát hiện mới được tìm thấy này, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng Lactobacillus bulgaricus và Streptococcus thermophilus, hai chủng vi khuẩn thường được tìm thấy trong sữa chua sống, có thể làm giảm số lượng hóa chất gây ung thư trong ruột.
Mối tương quan mạnh mẽ được ghi nhận ở số lượng các u tuyến phát triển trong đại tràng có thể một phần là do độ axit (pH) thấp hơn trong phần ruột này, làm cho đại tràng trở thành một môi trường thân thiện hơn cho những vi khuẩn này.
Ngoài ra, u tuyến có liên quan đến tăng tính thấm đường ruột, ngược lại, sữa chua có thể có đặc tính chống viêm và có thể làm giảm ‘rò rỉ’ đường ruột, giúp cải thiện tình trạng này.
Thực trạng ung thư ruột ở Hoa Kỳ
Ung thư ruột (hay ung thư đại trực tràng – Colorectal cancer) là loại ung thư phổ biến thứ ba được chẩn đoán tại Hoa Kỳ (tính cả nam và nữ, không tính ung thư da). Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ ước tính số lượng ca ung thư ruột ở Hoa Kỳ năm 2019 là:
- 101.420 ca ung thư đại tràng mới
- 44.180 ca ung thư trực tràng mới
Nhìn chung, nguy cơ mắc ung thư ruột là: 1 trong 22 (4,49%) đối với nam và 1 trong 24 (4,15%) đối với nữ. Nguy cơ này thấp hơn một chút ở nữ giới so với nam giới.
Tại Hoa Kỳ, ung thư ruột là nguyên nhân phổ biến thứ ba gây tử vong liên quan đến ung thư ở nam giới và nữ giới riêng biệt, và là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây tử vong do ung thư khi kết hợp cả nam và nữ. Dự kiến, ung thư ruột sẽ gây ra khoảng 51.020 ca tử vong trong năm 2019.
Tỷ lệ tử vong do ung thư ruột ở Hoa Kỳ đã giảm ở cả nam và nữ trong vài thập kỷ gần đây. Có một số lý do giải thích cho xu hướng này: Một là polyp ruột hiện đang được phát hiện thường xuyên hơn bằng cách sàng lọc và loại bỏ trước khi chúng có thể phát triển thành ung thư hoặc ung thư được phát hiện sớm hơn khi bệnh dễ điều trị hơn. Ngoài ra, điều trị ung thư ruột đã được cải thiện trong vài thập kỷ qua. Kết quả là, hiện có hơn 1 triệu người sống sót sau mắc ung thư ruột ở Hoa Kỳ. Mặc dù tỷ lệ tử vong chung vẫn tiếp tục giảm, nhưng tử vong do ung thư ruột ở những người dưới 55 tuổi đã tăng 1% mỗi năm từ năm 2007 và 2016.

Thực trạng ung thư ruột trên toàn thế giới
Trên quy mô toàn cầu, ung thư ruột cũng được biết đến như là loại ung thư phổ biến thứ ba ở nam giới và là loại ung thư phổ biến thứ hai ở nữ giới. Có hơn 1,8 triệu trường hợp mắc mới trong năm 2018.
Dự án cập nhật liên tục (Continuous Update Project Panel – một chương trình liên tục phân tích các nghiên cứu và dữ liệu toàn cầu về chế độ ăn uống, dinh dưỡng và hoạt động thể chất ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư và sự sống còn, đây là một nguồn tài liệu khoa học đáng tin cậy, có quyền lực, tác động trực tiếp đến các hướng dẫn điều trị và chính sách hiện hành về phòng ngừa và sự sống còn của ung thư) có bằng chứng mạnh mẽ rằng sử dụng thịt chế biến, thịt đỏ đồ uống có cồn, lượng mỡ cơ thể lớn hơn làm tăng nguy cơ ung thư ruột. Ở khía cạnh ngược lại, cũng có bằng chứng mạnh mẽ rằng hoạt động thể chất đặc biệt giúp bảo vệ chống lại ung thư ruột kết, ngoài ra việc sử dụng ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm có chứa chất xơ, các sản phẩm từ sữa và bổ sung canxi cũng làm giảm nguy cơ ung thư ruột.
Ung thư ruột được xem là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của quá trình dịch tễ học và dinh dưỡng, với tỷ lệ mắc ung thư này – cùng với các bệnh ung thư khác liên quan đến lối sống hiện đại phương Tây – gia tăng ở các nước đang trải qua đô thị hóa và phát triển kinh tế nhanh chóng. Dưới đây là bảng danh sách các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ ung thư ruột chuẩn hóa theo tuổi:
STT | Nước | Tỷ lệ chuẩn hóa theo tuổi trên 100,000 dân |
1 | Hungary | 51.2 |
2 | Hàn Quốc | 44.5 |
3 | Slovakia | 43.8 |
4 | Na Uy | 42.9 |
5 | Slovenia | 41.1 |
6 | Đan Mạch | 41.0 |
6 | Bồ Đào Nha | 40.0 |
8= | Barbados | 38.9 |
8= | Nhật Bản | 38.9 |
10 | Hà Lan | 37.8 |
11 | Úc | 36.9 |
12 | Singapore | 36.8 |
13 | Serbia | 36.7 |
14= | Bỉ | 35.3 |
14= | New Zealand | 35.3 |
16= | Uruguay | 35.0 |
16= | Brunei | 35.0 |
18 | Moldova | 34.2 |
19 | Croatia | 34.1 |
20 | Ireland | 34.0 |
21 | Tây Ban Nha | 33.4 |
22 | Latvia | 33.0 |
23 | Cộng Hòa Séc | 32.7 |
24 | Anh | 32.1 |
25 | Belarus | 31.8 |
Nguồn:
Tạp chí Y khoa Anh quốc: https://www.bmj.com/